Bê tráp là một nghi thức không thể thiếu mà nhà trai và nhà gái đều cần phải có sự chuẩn bị trước, để có được một hôn lễ trọn vẹn theo đúng phong tục cưới hỏi của người Việt Nam. Vậy bê tráp là gì? Những điều về bê tráp mà bạn cần lưu ý để lễ ăn hỏi, và lễ cưới được diễn ra suôn sẻ nhất là gì? Hãy cùng điểm qua các mục nhé!
Bê tráp là gì?
“Bê tráp là gì?” là câu hỏi mà vẫn còn một số người chưa thực sự hiểu rõ. Bê tráp hay có thể gọi là bưng lễ, bưng quả, là tục lệ truyền thống của người Việt được tổ chức trong lễ ăn hỏi.
Nghi lễ bê tráp sẽ được thực hiện trong lễ ăn hỏi với hai đội hình gồm đội bê tráp nam và nữ. Trong đó, đội bê nhà nam sẽ trao lễ cho đội bê nhà nữ.
Ý nghĩa của bê tráp
Đối với lễ ăn hỏi thì bê tráp có ý nghĩa vô cùng lớn, bên nam sẽ chuẩn bị tráp ăn hỏi nhằm mục đích xin đón nàng dâu về nhà chồng. Những mâm tráp này sẽ cần một đội ngũ để bê sang nhà cô dâu. Còn phía bên nữ cũng cần một đội để nhận lễ từ phía bên nam. Nghi thức này được gọi chung là bê tráp.
Đối với phong tục cưới hỏi ở nước ta thì bưng quả đám cưới là một nghi thức không thể thiếu. Với ý nghĩa trao duyên, việc bê tráp là thể hiện mong muốn cho cô dâu và chú rể được sống hạnh phúc viên mãn trọn kiếp.
Đội bê tráp gồm những ai ?
Để có thể lựa chọn được đội bê tráp ưng ý trong lễ ăn hỏi, cả cô dâu và chú rể cũng đều phải chú ý cân nhắc lựa chọn thật kỹ càng người bê tráp. Vì thông thường dù là đàng trai hay đàng gái thì cũng đều cần phải có đội bê tráp vào ngày trọng đại của bản thân mình đấy.
Của nhà trai
Đội bê tráp bên đàng trai sẽ được chọn chủ yếu từ bạn bè và người thân quen của chú rể. Đội hình này chỉ bao gồm nam giới độc thân và đa phần thường nhỏ tuổi hơn chú rể.
Của nhà gái
Tương tự thì đội hình bê tráp nhà gái cũng chủ yếu là bạn bè, đồng nghiệp và họ hàng của cô dâu. Đồng thời, đội bê này cũng chỉ toàn là nữ, chưa lập gia đình và cũng có xu hướng thường nhỏ tuổi hơn cô dâu.
Chuẩn bị cho bê tráp như thế nào ?
Chuẩn bị cho bê tráp là điều vô cùng cần thiết, bởi điều đó thể hiện sự chỉnh chu về mặt hình thức của lễ ăn hỏi. Vậy thì để chuẩn bị cho bê tráp, ta cần biết 3 điều sau:
Chuẩn bị lễ vật
Các lễ vật trong lễ ăn hỏi thường sẽ bao gồm:
- Tráp trầu cau: với quan niệm rằng “Miếng trầu là đầu của mọi câu chuyện”, vì thế đây là lễ vật không thể thiếu trong lễ ăn hỏi ở nước ta. Không những thế, trầu cau còn tượng trưng cho tình nghĩa gắn bó keo sơn, bền chặt.
- Tráp chè: vô cùng quen thuộc với người dân Bắc. Ấm trà như là sợi dây liên kết để giúp câu chuyện suôn sẻ và thuận lợi hơn.
- Tráp rượu: lời chúc phúc dành cho cặp uyên ương không thể thiếu chén rượu. Rượu như là cầu nối gắn kết cô dâu và chú rể.
- Tráp phu thê: đây là loại bánh tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng bền chặt, son sắt, đầu bạc răng long.
- Tráp hoa quả: dùng để cúng trên bàn thờ gia tiên, tráp hoa quả có công dụng nhằm báo cáo với ông bà tổ tiên về hôn lễ sắp được tổ chức.
- Tráp hạt sen: là lời cảm ơn đến công lao sinh thành và ơn nuôi dưỡng của bố mẹ.
- Tráp xôi gấc: đại diện cho sự ấm no, no đủ, may mắn, đồng thời là lời báo hỷ sự của gia đình.
- Tráp lợn sữa quay: là biểu tượng cho tiền tài, giàu có. Mặc khác, nó cũng xem như là lời chúc phúc đôi trai gái con cháu đầy nhà.
Thứ tự bê tráp
Không chỉ về chuẩn bị lễ vật mà thứ tự bê tráp sao cho đúng là một điều cùng mật thiết trong nghi thức cưới hỏi. Thứ tự bê tráp sẽ dựa vào số lượng tráp mà nhà trai chuẩn bị. Cụ thể theo thứ tự:
- Tráp lễ từ 5 – 7 tráp: mở đầu là trầu cau tiếp theo là rượu và thuốc lá rồi đến tráp hoa quả, và các tráp cao.
- Tráp lễ từ 9 – 11 tráp: đầu tiên là trầu cau đến rượu và thuốc lá, tráp lợn sữa và tiếp đó tráp hoa, tráp xôi gấc, tráp nước ngọt/bia và cuối cùng là các tráp cao.
Cách trao lì xì
Sau khi các thủ tục trao nhận tráp đã thực hiện xong thì đội bê tráp nhà nam, nhà nữ, hai nhà sẽ tiến hành trao lì xì cho nhau.
Một lưu ý nhỏ, cô dâu và chú rể cũng nên để ý cách trao lì xì khi bê tráp sao cho đúng nhất. Bởi nó được xem như là một lời chào, lời trao duyên và truyền đi những lời chúc phúc ý nghĩa với mong muốn đội bê tráp cũng sẽ tìm được nhân duyên của mình vào một ngày không xa.
Quy trình bê tráp gồm những bước nào ?
7 bước sau là quy trình bê tráp theo truyền thống nước ta:
Bước 1: Chuẩn bị
Hai bên gia đình sẽ họp mặt để thống nhất về số tráp. Vào khung giờ được bàn từ trước, nhà trai sẽ cùng đội bê tráp di chuyển đến nhà gái.
Bước 2: Nhà trai trao lễ
Trước khi chạm ngõ nhà gái, nhà trai sẽ xếp đội hình theo thứ tự ông bà, bố mẹ, chú rể và đi sau cùng là đội bê tráp.
Hai gia đình chào hỏi với nhau xong cũng là lúc đội bê tráp hai nhà sẽ trao tráp cho nhau và đỡ tráp tiến vào bên trong nhà.
Bước 3: Nhà gái nhận quả và mở quả
Sau khi trao nhận tráp, gia đình hai bên sẽ ổn định vị trí ngồi, và người đại diện hai bên sẽ có đôi lời giới thiệu về nhau.
Đại diện đàng nam sẽ có lời phát biểu trong buổi lễ, đại diện đàng gái cũng sẽ đáp lễ qua hình thức cảm ơn và chấp nhận tráp nhà trai mang qua là hoàn thành nghi thức. Cuối cùng, mẹ chàng trai và mẹ cô gái sẽ cùng nhau mở tráp.
Bước 4: Ra mắt cô dâu với gia đình hai bên
Chú rể sẽ xin phép gia đình cô dâu để đón cô dâu xuống chào hỏi hai bên gia đình. Cô dâu sau đó sẽ chào hỏi và ra mắt họ hàng hai bên.
Bước 5: Cô dâu, chú rể làm lễ gia tiên
Bố mẹ cô dâu sẽ dùng lễ vật mà bên nhà trai mang qua để đặt lên trên bàn thờ gia tiên. Bố của cô gái sẽ dẫn đôi uyên ương đến trước bàn thờ và làm lễ gia tiên.
Bước 6: Gia đình đôi bên cùng nhau bàn bạc về lễ cưới
Hai bên nhà sẽ nói chuyện để thống nhất các nghi thức trong ngày cưới khi đã hoàn tất các nghi thức trên.
Bước 7: Lại quả
Nhà gái sẽ chia lại quả và đưa lại tráp cho bên nam để mang về.
Chú ý một số vấn đề sau:
- Không sử dụng kéo để chia lại quả mà nên dùng tay trực tiếp xé.
- Đồ lại quả nên là số chẵn và phải để ngửa nắp khi trả tráp cho nhà chú rể.
Chọn đội bưng tráp cần lưu ý gì ?
Nếu như nói cổng cưới là thứ quan trọng nhất khi nhìn vào một đám cưới thì đội bưng tráp được xem như là bộ mặt của lễ ăn hỏi. Chính vì vậy, khi chọn đội bưng tráp ta cần lưu ý qua những điều sau đây:
Trang phục của đội
Chọn trang phục bưng tráp cho cả nhà trai và nhà gái cũng là điều không thể bỏ qua, bạn nên chú ý đến một số vấn đề sau:
- Nên chọn những mẫu trang phục lịch sự, nhã nhặn, phù hợp với văn hóa nước ta.
- Trang phục luôn có sự đồng nhất về cả 2 phương diện là kiểu dáng và màu sắc.
Trang phục đội bê tráp nhà trai
Trang phục cho đội bê tráp đàng trai tương đối dễ lựa chọn. Áo sơ mi trắng, quần âu thêm vào đó chiếc cà vạt và mang giày tây sang trọng nữa là đã đủ.
Bên cạnh đó, khi lựa chọn những phụ kiện như giày dép, cà vạt, nên chú ý đến sự đồng nhất để tạo được hiệu ứng cân đối.
Đặc biệt, đội nam cũng có thể mặc áo dài truyền thống để giúp ngày lễ trở nên trang trọng và truyền thống hơn.
Trang phục đội bê tráp nhà gái
Trang phục thường thấy nhất cho đội bê tráp nhà gái là áo dài truyền thống hoặc cách tân. Con gái luôn làm điệu và thường được để ý về ngoại hình hơn nên việc lựa chọn trang phục cũng cần phải tỉ mỉ và chau chuốt.
Không những thế, để nghi lễ trở nên hài hòa hơn thì khi lựa chọn trang phục, bạn cũng nên xem xét đến màu sắc, kiểu dáng sao cho giống nhau.
Cách chọn đội hình
Đối với đội hình bê tráp, bạn cần chú ý đến một số yếu tố như:
Chiều cao
Đối với bưng quả đám cưới thì chiều cao là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Bất kể là dàn bưng quả bên nhà trai hay nhà gái thì chiều cao nên tương đối với nhau.
Tốt nhất là bạn nên chọn người bê tráp có chiều cao thấp hơn cô dâu và chú rể để khi lên hình, để đôi uyên ương sẽ trở nên nổi bật hơn.
Tuy nhiên, nếu bạn không thể chọn được như vậy thì trang phục người bê tráp ít nổi hơn cũng là một ý kiến hay.
Vóc dáng
Tương tự như chiều cao, vóc dáng đội hình bê tráp nên được chọn tương đương nhau là đẹp nhất. Hạn chế chọn người quá gầy đứng gần người quá béo, vì như vậy sẽ làm mất cân xứng đội hình.
Số lượng người bê tráp
Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng lễ vật mà nhà trai chuẩn bị. Ở các tỉnh phía Bắc thì tráp lễ luôn là số lẻ, có thể là 3, 5, 7,.. hoặc thậm chí 11, 15 tráp. Mặt khác, người miền Nam lại yêu cầu số tráp chẵn, thường là 6 và 8 tráp. Bởi nó tượng trưng cho con đường tiền tài.
Một số điều nên tránh khi bê tráp
Để lễ cưới được diễn ra thuận lợi nhất, nhà trai và nhà gái cũng nên quan tâm đến những điều nên tránh khi bê tráp như:
- Không nên cưới hỏi vào những ngày mang đến vận xui vì như vậy sẽ gây không may mắn cho người vợ như cô quạnh, hiếm con.
- Không nên cưới khi cô dâu ở tuổi Kim Lâu (tuổi xấu) để hạn chế rủi ro về đường con cái và tiền tài.
- Không nên cưới xin vào tháng cô hồn, tháng Ngưu Lang – Chức Nữ xa nhau.
- Đội bê tráp phải là những nam thanh nữ tú còn độc thân, chưa có vợ/chồng và con.
Bê tráp quá 3 lần nên hay không ?
Thời nay, một số người vẫn còn băn khoăn câu hỏi “Nếu đi bê tráp quá 3 lần có bị lận đận tình duyên không ?”, theo quan niệm xưa thì khi bê tráp quá 3 lần sẽ bị mất duyên và khó lấy chồng. Bởi bê tráp cũng đồng nghĩa là trao duyên của mình cho cô dâu và chú rể. Do đó, có thể sẽ bị “cạn duyên”nếu bê quá nhiều.
Tuy nhiên, ở hiện tại thì mọi người đã có suy nghĩ thoáng hơn. Vì thế, nếu có bê hơn 3 lần cũng sẽ không ảnh hưởng đến duyên của đội bê. Bạn hoàn toàn không cần để tâm đến quan niệm xưa không có cơ sở chứng minh này.
Kết luận
Vừa rồi là những chia sẻ về truyền thống bê tráp như bê tráp là gì, tất tần tật những điều về bê tráp mà bạn cần lưu ý! Mong là những kiến thức trên đã giúp bạn phần nào có thêm kinh nghiệm khi tổ chức nghi lễ cưới hỏi cho mình.